Xã Nghi Lâm là xã bán sơn địa
phía Tây huyện Nghi Lộc, nằm trên tỉnh lộ 534(Quốc lộ 48E) từ Quán Hành đi Yên
Thành, cách trung tâm huyện khoảng 14 Km. Trong quá trình hình thành và phát
triển, cùng với sự cần cù, chịu khó và sự cố gắng vươn lên của người dân nơi
đây. Xã Nghi Lâm đã trở thành một xã có nhiều tiềm năng, lợi thế và đã trở
thành một làng quê trù phú có nhiều phong trào phát triển mạnh và bền vững, dần
đã trở thành xã có nhiều đặc trưng riêng và nổi bật trong vùng.
Về phong cảnh thiên nhiên, có thể nói là một vùng quê
“Thiên phú” với những địa danh ngàn Đại
Vạc hùng vĩ kết hợp với Hồ nước nhân tạo “Khe Gỗ” đã tạo nên một điểm đến thật
lý thú cho nhiều người dân trong và ngoài xã. Vào sâu trong rừng Du khách có thể
thưởng ngoạn những đồi thông reo trong gió, những rừng Bạch đàn xào xạc và những
cảnh thiên nhiên kỳ thú như Vực Vò Vò, Cục đá chìa… đang còn để lại dấu tích
“bàn chân Tiên” và “dấu chân ngựa trên đá”, phía dưới là dòng nước trong xanh
sâu thẳm và khí hậu mát lạnh có chứa đôi chút linh thiêng về địa vật.
Vào vùng trung tâm nổi bật có
dãy Rú Vạc, nối liền với Rú Còm, Rú Chùa, Rú Đồn tạo nên một làng quê trú phú, ấm
cúng và thân thiện. Phía trước có Đập Đồng bù, Cầu Làng trung tạo nên một vùng
quê phong thuỷ hữu tình;
Sang mạn phía Nam qua “Cầu Cổ Hoà” tính từ
phía Đông (Giáp xã Nghi Công Bắc) là Rú Dâu nối với rú Dài, lên Rú Cấm và Eo
Dung cũng đã tạo nên một dãy làng mạc có nhiều bản sắc và có nhiều tên gọi hay
như “Tân văn Phong”, “Trại Học Trò”.
Chuyển
lên phía Tây là Làng Rú Trai, Rú Muông và Làng Cây Dền có nhiều kỳ tích về
phong cảnh thiên nhiên đậm chút thôn quê mộc mạc.
Về Văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.
Các sinh hoạt văn hoá, lễ hội
tín ngưỡng, tâm linh ở Nghi Lâm rất phong phú và đa dạng, trước đây nhân dân
Nghi Lâm chú yếu là theo Đạo Thiên Chúa Giáo, nhưng sau cải cách Ruộng Đất năm
1956 rất nhiều người dân tự nguyện không theo Đạo Thiên Chúa Giáo nữa, chỉ còn
lại khoảng 30% vẫn duy trì theo Đạo Thiên Chúa Giáo cho đến ngày nay. Trên địa
bàn có nhiều công trình văn hóa tâm linh có lịch sử lâu đời đã hàng trăm năm,
nhưng chỉ còn một số gốc tích sau này đang được khôi phục và nâng cấp lại như
Nhà thờ Xứ Mậu Lâm;
Các làng
gốc trước đây có Đình, Chùa, Đền, Miếu. Có thể liệt kê như sau:
- Đình: Hiện tại chỉ có phế tích của
Đình Mỹ Sơn (Nhà văn hoá xóm 14 cũ).
- Chùa: Trên địa bàn hiện đang xin
phép khôi phục lại Chùa Văn Quán (xóm 11).
- Đền: Đền Bản Thổ đã được phục dựng lại và trở
thành địa điểm hoạt động văn hoá tâm linh cho bà con nhân dân thuộc làng Đoài
Sơn (Xóm 5).
5. Phong trào Cách mạng.
Con người
và mảnh đất Nghi Lâm cũng như bao địa phương khác, vốn có truyền thống yêu nước,
cần cù, thông minh và hiếu học; người Nghi Lâm sống thật thà, Chất phác, nghĩa
tình chan hoà.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nghi Lâm là sự
tiếp nối truyền thống yêu nước, căm thù giặc của dân tộc ta. Trong quá trình đấu
tranh chống giặc ngoại xâm, lớp lớp con em Nghi Lâm đã lần lượt lên đường tham
gia kháng chiến cứu quốc như: Phong trào phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh
1930-1931, chớp thời cơ giành chính quyền 1945, đánh đuổi thực dân pháp trường
kỳ gian khổ, 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước Nghi Lâm luôn có những người
con ưu tú.
Kết thúc
chiến tranh toàn xã có 156 liệt sỹ, đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường;
Có 12 mẹ Việt Nam anh hùng. Có 152 thương binh, 28 bệnh binh, có 31 người bị
nhiễm chất độc hóa học.
Toàn xã
hiện còn 13 đối Tượng được hưởng chế độ, chính sách người có công hàng tháng.
Trong những
năm qua, Cấp ủy Đảng, Chính quyền và các đoàn thể đã phát động các phong trào đền
ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, thiết thực và có ý nghĩa
nhân văn sâu sắc như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa cho các
gia đình chính sách. Xây mới, nâng cấp nhà Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
thành Nghĩa trang Liệt sỹ xã, Chăm lo đời sống cho đối tượng người có công.
Ngoài ra, còn biết bao nghĩa cử cao đẹp khác, bằng cả vật chất và tinh thần
chúng ta đã và đang chung tay giúp đỡ cho các đối tượng chính sách, người có
công với cách mạng.
Phát huy
truyền thống vẻ vang của quê hương, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của miền
Trung, các thế hệ người dân Nghi Lâm luôn dựa vào sức mạnh đoàn kết, cần cù,
sáng tạo, kiên cường, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách quyết tâm đẩy
lùi đói nghèo, lạc hậu.
Công tác
xây dựng Đảng luôn được coi trọng về giáo dục tư tưởng, ý thức chính trị cho đội
ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh
và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Về ẩm thực:
Có thể
nói Nghi Lâm là một vùng quê sầm uất về kinh doanh các mặt hàng, quán, mà nổi bật
là các nhà hàng ăn uống nổi tiếng như “Dê Vườn Xoài”, “Dê Leo Núi, Gà đi bộ”,
Nhà hàng “Vườn Nhà Ai” đã chiếm được lòng tin của nhiều đoàn du khách khó tính
và đã mở rộng được nhiều chi nhánh ở trong tỉnh và trong nước; Ngoài ra, tuy mới
phát triển trong mấy năm gần đây nhưng cũng đã có chiều hướng phát triển tốt
như Nhà hàng “Cậu Cháu”, nhà hàng “Lập Phát”, Nhà hàng “Anh và Em”… đã để lại
nhiều ấn tượng cho du khách.
Về Đời sống văn hoá:
Là một địa
phương có truyền thống Văn hoá từ lâu đời, các phong trào văn hoá, văn nghệ, Thể
dục thể thao phát triển mạnh và đồng đều. Đến nay toàn xã có 12/12 xóm đạt làng
văn hoá; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 90,36 %; Trên địa bàn có 4 dòng họ văn hoá,
5 cơ quan, trường học đều đạt chuẩn văn hoá. Nhân dân có tinh thần đoàn kết thống
nhất cao, tính tình thân thiện và mến khách.
Với một
vùng quê “Sơn thuỷ hữu tình”, Điều kiện giao thông đi lại thuận tiện, người dân
thân thiện, mến khách, các nhà hàng ăn nổi tiếng với nhiều món đặc sản, sẵn
sàng phục vụ quý khách. Các du khách chưa đến hãy đến một lần để được biết
thêm, và ai đã đến thì chắc đã biết Nghi
Lâm là điểm đến lý tưởng./.
Nguyễn
Văn Hội – CC Văn hoá - XH