Để quý vị biết và hiểu thêm về Đất và người Nghi Lâm, chúng tôi xin phép được giới tổng quan, tóm tắt về sự hình thành và phát triển của xã Nghi Lâm trong chặng đường 70 năm qua.
ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN,
CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI.
1. Lịch sử địa lý hành chính:
Nghi Lâm là xã bán sơn địa phía Tây
huyện Nghi Lộc, nằm trên tỉnh lộ 534(Quốc lộ 48E) từ Quán Hành đi Yên Thành,
cách trung tâm huyện khoảng 14 Km. Trong quá trình hình thành và phát triển,
cùng với những biến động của lịch sử dân tộc, vùng đất này trải qua nhiều thay
đổi về địa giới hành chính với những tên gọi khác nhau.
Cuối thế kỷ XV, Nhà nước Phong kiến
Việt Nam phát triển đạt tới trình độ cực thịnh. Để xây dựng một Nhà nước Phong
kiến Trung ương tập quyền, Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra cấp Tổng là đơn vị hành
chính trung gian bao gồm nhiều làng xã nằm dưới cấp Phủ, huyện. Lúc này tên xã
Nghi Lâm được dùng là làng Mậu Lâm thuộc Tổng Vân Trình, huyện Hưng Nguyên.
Đến thời Vua Thành Thái (1889 – 1907)
địa giới cấp phủ, huyện có sự thay đổi, phần lớn Tổng Yên Trường được cắt về
Hưng Nguyên, Tổng Vân Trình và Tổng La Vân được sát nhập về huyện Nghi Lộc (năm
1889 vua Thành Thái đổi tên huyện Chân Lộc thành huyện Nghi Lộc). Huyện Nghi
Lộc lúc này được chia thành 5 tổng (với 79 đơn vị hành chính) gồm: Tổng La Vân,
Tổng Vân Trình, Tổng Thượng Xá, Tổng Đặng Xá, Tổng Kim Nguyên.
Tổng Vân Trình có 16 đơn vị hành chính
gồm: Tam Đa, Yên Lãng (Nghi Hưng); Xuân Mỹ, Vân Trình (Nghi Đồng); Phương Tích,
Hà Thanh, Mỹ Yên, Tuỵ Anh (Nghi Phương); Mậu Lâm (Nghi Lâm); Mỹ Lâm (Nghi
Kiều); Cổ Văn, Cổ Lãm, Đồng Quỹ (Nghi Văn), Mỹ Hoà, Phù Trạch, Tràng Đề (Nghi
Mỹ). Các đơn vị hành chính không thống nhất về tên gọi, nơi gọi làng, nơi gọi
thôn. Quy mô các đơn vị cũng khác nhau, không lấy diện tích đất đai, dân số, mà
lấy nhân đinh là Nam giới từ 18 tuổi trở lên làm căn cứ xác định. Xã Mậu Lâm
thuộc Tổng Vân Trình. Như vậy đến đời vua Thành Thái, Nghi Lâm với tên gọi Mậu
Lâm chính thức sáp nhập về huyện Nghi Lộc.
Cách mạng tháng Tám thành công, Trung
ương Đảng chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính để thuận lợi cho công
tác quản lý và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quân sự, phát triển kinh tế,
văn hoá, xã hội. Nhiều tên gọi hành chính từ cấp trung ương đến địa phương có
sự thay đổi, cấp Tổng lúc này bị bãi bỏ. Tháng 5/1946, thực hiện sắc lệnh của
Chính Phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc đã
lãnh đạo việc tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho thống nhất. Nghi
Lộc từ 79 đơn vị hành chính sáp nhập lại thành 24 đơn vị. Lúc này xã Xuân Kiều
thuộc Tổng Hải Đô, huyện Hưng Nguyên cùng với xã Mỹ Lâm và Mậu Lâm của Nghi Lộc
lập thành xã Lâm Kiều thuộc huyện Nghi Lộc.
Tháng 4/1947 mặt trận Bình Trị Thiên
bị vỡ, vùng quê Nghệ Tĩnh bị Thực dân Pháp uy hiếp. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới
của cuộc kháng chiến, Ban chấp hành Tỉnh uỷ đã lãnh đạo việc sắp xếp lại các
đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình tác chiến đánh địch. Thực hiện Sắc
lệnh số 72-SL/CP của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 10 tháng 8 năm
1947 nhập hai làng Trĩ Nội và Hội Yên thuộc xã Lộc Thành huyện Yên Thành vào
Nghi Lộc, rồi nhập xã Lâm Kiều, Văn Yên (Cổ Văn, Cổ Lãm, Đồng Quỹ) và Lộc Thành
thành xã Tam Thái. Nghi Lâm lúc này thuộc xã Tam Thái.
Tháng 9 năm 1953, thực hiện chủ trương
của Tung ương, cuộc “phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô” được mở
rộng trên phạm vi toàn tỉnh, năm xã của Nghi Lộc gồm xã Tam Thái, Thần Lĩnh,
Thuận Hoà, Xuân Hải, Ngư Hải tiến hành trong đợt II, bắt đầu từ tháng 9 năm
1953.
Thực hiện Thông tri của Phủ Thủ tướng,
ngày 4.1.1954 về chia xã trong phát động giảm tô, các đơn vị hành chính xã, tổ
chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể được củng cố kiện toàn sắp xếp
lại. Huyện Nghi Lộc từ 13 xã ban đầu được chia thành 38 xã mới. Xã Tam Thái
chia thành 3 xã là: Nghi Kiều, Nghi Lâm và Nghi Văn. Tên xã Nghi Lâm có từ đó
và ổn định cho đến ngày nay.
Nghi Lâm hiện nay có diện tích là
2.408 ha, với hơn 2.814 hộ, trên 9.985 nhân khẩu, (Trong đó có hơn 500 hộ với
1.830 người theo Đạo Thiên Chúa Giáo). Sau sáp nhập năm 2019 được phân bổ ở 12
xóm. Phía Bắc giáp huyện Diễn Châu, phía Đông giáp xã Nghi Mỹ và xã Nghi Đồng,
Phía Nam giáp xã Nghi Công Bắc và huyện
Nam Đàn, phía Tây giáp xã Nghi Kiều và xã Nghi Văn. Trên địa bàn xã có 3 trục
đường quan trọng đi qua đó là đường 534 (Quốc lộ 48E); đường Liên xã Hưng Trung,
Nghi Công, Nghi Lâm, Nghi Kiều và đường N5 đi Đô Lương. Nhìn tổng thể địa hình
Nghi Lâm gần như là trung tâm của 9 xã vùng Tây huyện Nghi Lộc.
2. Khái quát hình
thành các khu dân cư trước sáp nhập năm 2019:
Như đã nêu ở trên, xã Nghi Lâm hiện
nay được thành lập bởi làng gốc đó là Mậu Lâm và một bộ phận nhân dân xã Phúc
Thọ lên tái định cư năm 1964. Toàn xã được chia thành 19 xóm.
Xóm
1: Xóm 1 xã Nghi Lâm: Còn gọi là làng Rú Trai, là 1 trong các làng được
hình thành sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Làng nằm cuối tuyến đường
liên xã Lâm - Kiều, có vị trí rất thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Phía
Đông, phía Nam nhìn ra cảnh đồng Lúa của nhân dân, phía Tây giáp xã Nghi Kiều,
phía Bắc giáp xóm 2. Làng quần tụ bởi các hộ dân được di dời từ Làng Nam Sơn,
Đoài sơn và một số hộ dân ở các vùng khác trong xã chuyển lên hình thành vào
khoảng năm 1976, 1977.
Xóm
2: Xóm 2 xã Nghi Lâm: Còn được gọi là làng Rú Muông, được thành lập vào
khoảng năm 1976, 1977, gồm cơ bản các hộ dân từ làng Tân Giai được di dời lên
để lấy đất sản xuất. Ban đầu làng nằm ở vị trí tương đối khó khăn trong việc đi
lại, giao thương, nhưng đến năm 2015 có tuyến đường N5 đi qua phía trước nên đã
có rất nhiều thuận lợi cho bà con nhân dân nơi đây. Phía Đông giáp xóm 3 (Cây
Dền), phía Tây giáp xã Nghi Kiều, Phía Nam nhìn ra đồng Lúa của làng và giáp
xóm 1. Phía Bắc giáp xã Nghi Văn. Làng được quần tụ bởi nhiều hộ dân theo Đạo
thiên Chúa Giáo, có Nhà thờ Giáo họ Tân Giai trên địa bàn.
Xóm
3: Xóm 3 xã Nghi Lâm: Còn được goi là làng Cây Dền, làng được hình
thành vào khoảng năm 1964. Gồm hầu hết các cư dân thuộc xã Phúc Thọ lên định cư
và một số hộ chuyển từ làng Nam Sơn cũ lên hợp thành. Phía Đông, phía Nam nhìn
ra cánh đồng Lúa của nhân dân, phía tây giáp xóm 2 (Rú Muông), phía Bắc giáp
núi Cây Sanh. Dân số có 143 hộ, 517 nhân khẩu. Làng quần tụ bởi nhiều dòng họ
như: họ Nguyễn Bá, Nguyễn Nhật, họ Nguyễn Văn, họ Phan Thế….

Xóm 4: Xóm 4 xã Nghi Lâm còn được gọi
là làng Bắc Sơn, trước đây dân địa phương còn có tên gọi là làng Lu Cù (Vì làng
được hình thành trên cánh đồng có nhiều cây Lau Cù), đến năm 1976, 1977 thực
hiện chủ trương di dời dân lên đồi để có đất sản xuất nên các hộ dân được di
dời lên dọc sườn Rú Thả và Rú Dài lập nên làng Bắc Sơn, gồm có 2 xóm đó là xóm
4 và xóm 5. Làng nằm trên tuyến đường 534 (Quốc lộ 48E). Phía Đông, phía Bắc
giáp xóm 5, phía Tây giáp xóm 3 và xã Nghi Văn, phía Nam nhìn ra cảnh đồng Thả.
Làng quần tụ bởi nhiều dòng họ gồm: Họ Đinh Bạt, họ Nguyễn Văn, Trần Văn,
Nguyễn Đình, Hoàng Công….

Xóm 5: Xóm 5 xã Nghi Lâm: là một nửa
của làng Bắc Sơn, được cư ngụ trên sườn rú Dài, có đường 534 (Quốc lộ 48E) đi
qua nên rất thuận tiện cho nhân dân đi lại, giao thương; Có vị trí địa lý thuận
lợi cho nhân dân phát triển chăn nuôi, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ. Trên
địa bàn xóm có nhà hàng ăn nổi tiếng đặc sản Nghi Lâm đó là Dê Vườn Xoài. Là
một làng nằm gần nhất với đập Khe Gỗ.
Hiện tại trên địa bàn làng Bắc Sơn (Xóm 4, 5) đã xuất hiện nhiều công ty, xý
nghiệp được hình thành và đã được quy hoạch cụm tiểu khu Công nghiệp Đô Lăng.
Mặt khác trong làng đã hình thành nhiều xưởng sản xuất đồ Gỗ Mỹ nghệ Môi, Muỗng
xuất khẩu. Nhân dân nơi đây có cuộc sống ổn định về kinh tế, văn hoá – xã hội
và các phong trào VHVN-TDTT phát triển đồng đều và tiến bộ.
Xóm
6: Xóm 6 xã Nghi Lâm còn được gọi là làng Đoài Sơn, dân làng có nguồn
gốc là dân bản địa; là một trong những làng lâu đời nhất ở xã Nghi Lâm. Làng
nằm trên tuyến đường liên xã Lâm – Kiều với chiều dài gần 1,5 Km, có vị trí rất
thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Trong làng nổi tiếng với địa danh và có
di tích được ghi danh như Đền Bản Thổ, và địa danh dễ nhớ của người dân Nghi
Lâm đó là Cầu Làng Trung. Làng quần tụ bởi các dòng họ: Họ Nguyễn Văn, Nguyễn
Quốc, họ Bùi Văn, Nguyễn Đình, Lâm Đình….
Xóm 8: Xóm 8 xã Nghi Lâm, ở vùng trung
tâm xã còn được gọi là làng Nam Sơn (hay là vùng Lâm Hùng) có nguồn gốc lịch sử
từ lâu đời, là một trong những làng gốc ở xã Nghi Lâm, nhân dân trong xóm được
cự ngụ trên sườn rú Vạc, có đời sống văn hoá thuần khiết, tình làng, nghĩa xóm
thắt chặt, đoàn kết Lương – Giáo, một lòng theo Đảng. Làng quần tụ bởi một số
dòng họ như: Nguyễn Văn (gốc họ Lê) và một số dòng họ khác như Trần văn, Vũ
Đình, Lê Quang….
Xóm
9: Xóm 9 xã Nghi Lâm cùng chung vùng Nam Sơn với xóm 8, 10. Nhân dân
chủ yếu được cư ngụ trên sờn Rú Chùa, Rú Đồn; là một trong những xóm có nguồn
gốc lâu đời ở xã Nghi Lâm, xóm có nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong
tình làng, nghĩa xóm, Hội nước Chè xanh, Hội phường Lúa, phường Tiền giúp nhau
phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình. Xóm quần tụ bởi nhiều dòng họ:
Nguyễn Văn (gốc hộ Lê), Trần Văn, Nguyễn Đình, Trần Tính, Hoàng Đình, Nguyễn
Quang và có một dòng họ được di dân từ xã Nghi Xá lên là họ Trương Văn…
Xóm
10: Xóm 10 xã Nghi Lâm là xóm trung tâm nhất, địa bàn của xóm bao quanh
khuôn viên trụ sở làm việc của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Nghi Lâm. Bên cạnh đó còn có trường Mầm Non,
đặc biệt trên địa bàn xóm còn có Nhà thờ Thiên Chúa Giáo – xứ Mậu Lâm. Nhân dân
nơi đây được coi như gốc rễ của xã Nghi Lâm, có truyền thống Lương – Giáo đoàn
két, một lòng theo Đảng, và có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó để
xây dựng làng xóm.
Xóm
11: Xóm 11 xã Nghi Lâm: là một trong 3 xóm được tách ra từ làng Đông
Sơn. Xóm nằm trên tuyến đường liên xã, có vị trí rất thuận lợi cho việc đi lại,
giao thương. Địa bàn xóm được bao quanh với trường Tiều Học, trường Trung học
Cơ Sở. Trên địa bàn còn đó những gốc tích để lại như: Mậu Lâm Trường (Là trường
Tiểu học đầu tiên tại xã Nghi Lâm được xây dựng vào khoảng năm 1927 và là di
tích đã được kiểm kê, ghi danh của tỉnh Nghệ An); Giếng Thùng… đã chứng minh là
làng được hình thành từ lâu đời nay. Phía Đông giáp xóm 14, phía Nam nhìn ra
cánh đồng Trại, phía Tây giáp xóm 10, phía Bắc giáp xóm 12.
Làng quần tụ bởi các dòng họ như: Nguyễn Văn (gốc họ Lê), Nguyễn Đình, Nguyễn
Xuân, Họ Phạm, họ Trần Tiến, Đinh Bạt, Trần Văn, Lê Văn và một số dòng họ khác.
Xóm
12: Xóm 12 xã Nghi Lâm Là một trong 3 xóm của Làng Đông Sơn, cũng là
làng có nguồn gốc từ lâu đời. Xóm có nhiều truyền thống đoàn kết, thống nhất
trong cộng đồng dân cư, xây dựng tình làng nghĩa xóm được phát huy cho tới ngày
nay. Làng quần tụ bởi các dòng họ gồm: họ Nguyễn Văn, Trần Xuân, Đậu Văn,
Nguyễn Sỹ….
Xóm
13: Xóm 13 xã Nghi Lâm còn được gọi là xóm Giếng Lạn, là 1 trong 3 xóm
được tách ra từ Làng Đông Sơn, là xóm có nguồn gốc lâu đời. Xóm có vị trí rất
thuận lợi cho việc đi lại, giao thương; Trên địa bàn xóm có Chợ Nghi Lâm, xóm
được quần tụ với nhiều dòng họ như: Nguyễn Quang, Đậu Văn, Lê Văn, họ Nguyễn
Văn (Gốc họ Lê), họ Văn Sứ….
Xóm 14. Xóm 14 xã Nghi Lâm còn được gọi
là Làng Mỹ Đề, hay là “Eo Đèn”. Xóm nằm trên tuyến đường liên xã, có vị trí
thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, buôn bán. Đây là một xóm có đầy đủ hình
ảnh của một làng cổ tại xã Nghi Lâm vì còn có dấu tích để lại của một làng quê
truyền thống có đủ “Cây Đa, Giếng nước, Sân Đình”. Phía Đông giáp xóm 16, phía
Nam nhìn ra cánh đồng Tràng Đề, Phía Tây giáp xóm 11, Phía Bắc là cánh đồng Giáp
Cận. Xóm được quần tụ bởi nhiều dòng họ như: Nguyễn Văn (Mỹ Đề), Nguyễn Phấn,
họ Bùi Văn, Võ Sỹ, họ Trần Văn, họ Phan Văn, họ Phạm Văn, Nguyễn Đình…
Xóm
15: Xóm 15
xã Nghi Lâm: Còn được gọi là Làng Chại Kim được hình thành từ năm 1985. Xóm nằm
trên tuyến đường 534 và đường liên xã nên nơi đây phát triển nhanh về ngành
nghề dịch vụ, có nhiều hộ kinh doanh các loại hàng hoá, các nhà hàng phát
triển, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân nơi đây, Nổi bật có
Nhà hàng Dê leo núi – Gà đi bộ, Nhà hàng Lập Phát, Nhà Hàng Vườn Nhà Ai…. Là
một xóm có truyền thống đoàn kết nổi bật trong bảo đảm an ninh trật tự. Phía
đông giáp xã Nghi Mỹ, phía Bắc giáp đơn vị bộ đội Kho K70, Phía Tây giáp xóm 5,
Phía Nam nhìn ra cánh đồng Sang và đồng Giáp Cận. Do mới thành lập nên trong
xóm hội tụ rất nhiều dòng họ.
Xóm
16: Xóm 16 xã Nghi Lâm: Là một xóm được tách ra từ Làng Mỹ đề, nhân dân
chủ yếu cư ngụ trên sườn Rú Bạc và Rú Ông Loai. Xóm được nằm trên tuyến đường
liên xã nên rất thuận tiện cho đi lại, giao thương, buôn bán. Phía đông giáp
làng Tràng Xuân xã Nghi Mỹ, Phía Tây giáp xóm 14, phía Nam nhìn ra cánh đồng
Tràng Đề, phía bắc là cánh đồng Sang. Xóm được hội tụ nhiều dòng họ sinh sống,
nổi bật như họ Nguyễn Văn (Gốc họ Lê), Họ Nguyễn Huy, Họ Phan Văn, Họ Đinh Bạt,
Phạm Khắc, Trần Bá, Lê Văn và nhiều dòng họ khác.
Xóm 17 Xóm 17 xã Nghi Lâm: Hay còn gọi
là Làng Văn Quán, Trước đây được hình thành trên cánh đồng Văn Quán còn để lại
Gốc tích của “Chùa Văn Quán” đã được kiểm kê, ghi danh. Năm 1976, 1977 thực hiện
chủ trương dời dân lên đồi để có đất sản xuất, các hộ dân nơi đây được chuyển
lên sinh sống dọc sườn đồi Rú Dâu. Phía Bắc nhìn ra cánh đồng Bàu, Phía Đông
giáp xã Nghi Công Bắc, Phía Tây Giáp xóm 18, Phía Nam được tựa vào Rú Dâu. Nơi
đây quần tụ với nhiều dòng họ như: Họ Đặng Văn, Họ Đinh Hữu, họ Nguyễn Quốc và
một số dòng họ khác như Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Trần Văn…
Xóm
18: Xóm 18 xã Nghi Lâm: Còn được gọi là Làng Cồn Nổ, trước đây nhân dân
chủ yếu được định cư trên cánh đồng Cồn Nổ dọc theo bờ sông Tân Giai, sau đó
thực hiện chủ trương dời dân lên đồi để lấy đất sản xuất, các hộ dân ở Cồn nổ
và một số hộ dân ở Làng Tân Giai, và làng Nam Sơn chuyển lên dọc theo sườn rú
Dài thành lập nên xóm 18. Xóm được nằm trên tuyến đường Liên xã Hưng Trung,
Nghi Công, Nghi Lâm, Nghi Kiều Nên rất thuận tiện cho việc đi lại, giao thương.
Xóm được Quần tụ với nhiều dòng họ như họ Nguyễn Văn, họ Nguyễn Quốc, họ Nguyễn
Công, họ Trang Ngọc và nhiều dòng họ khác.
Xóm
19: Xóm 19 xã Nghi Lâm: Còn được gọi là Tân Văn Phong hay Trại Học Trò.
Nhân dân chủ yếu được định cư trên sườn rú Cấm, có một số hộ dân từ xã Phúc thọ
lên định cư từ năm 1964. Là một xóm trước đây có rất nhiều khó khăn về phát
triển kinh tế, nhưng khoảng từ năm 2000 đến nay nhân dân nơi đây có bước phát
triển mạnh, đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc. Xóm có nhiều hộ dân theo
Đạo Thiên Chúa Giáo, xóm có truyền thống đoàn kết Lương – Giáo, các phong trào
VHVN-TDTT phát triển đều từng bước theo sự phát triển của xóm làng. Xóm được
quần tụ với dòng họ như Trần Trọng, Nguyễn Văn, Phan Văn, Nguyễn Công…
Xóm
20: Xóm 20 xã Nghi Lâm: Cùng chung tên gọi là Tân Văn Phong cùng với
xóm 19, nhân dân chủ yếu từ xã Phúc Thọ lên định cư từ năm 1964. Đời sống kinh
tế của nhân dân nơi đây thường xuyên ổn định, nhân dân có truyền thống cần cù,
siêng năng trong lao động sản xuất, chịu khó và tiết kiệm trong chi tiêu, truyền
thống này còn được lưu giữ đến hôm nay. Phía Bắc nhìn ra cánh đồng Trường và
Đập Khe Cái, Phía Đông giáp xóm 19, Phía Nam được dựa trên Rú cấm và Eo Dung,
Phía Tây giáp xã Nghi Kiều. Xóm được hội tụ với những dòng họ tiêu biểu như Họ
Phạm Văn, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Xuân, Lê Vĩnh, Phan Văn, Trần Văn…
3.
Hiện trạng khu dân cư sau sáp nhập xóm năm 2019.
Thực hiện chủ trương của Chính
Phủ, từ năm 2019 xã Nghi Lâm từ 19 xóm sáp nhập lại còn 12 xóm. Cụ thể như sau:
Xóm
1: Được sáp
nhập từ 2 xóm gồm: Xóm 1 và xóm 2. (Làng Rú Trai và Rú Muông) và được lấy Tên
là Xóm 1.
Xóm
2: Giữ nguyên xóm 3 cũ Làng Cây Dền
và được đổi tên thành xóm 2.
Xóm
3: Giữ
nguyên xóm 4 cũ và được đổi tên thành xóm 3 (Bắc Sơn)
Xóm
4: Giữ
nguyên xóm 5 cũ và được đổi tên thành xóm 4 (Bắc Sơn)
Xóm
5: Giữ
nguyên xóm 6 cũ, chỉ sáp nhập một số hộ của xóm 9 cũ và được đổi thên thành xóm
5 (Đoài Sơn)
Xóm
6: Được sáp
nhập từ 3 xóm: Xóm 8, xóm 9, xóm 10 cũ và được lấy tên gọi là Xóm 6 (Nam Sơn).
Xóm
7: Giữ
Nguyên xóm 11 cũ và được đổi tên thành xóm 7.
Xóm
8: Được sáp
nhập từ 2 xóm: Xóm 12, 13 cũ và được gọi tên mới là xóm 8 (Đông Sơn).
Xóm
9: Được sáp
nhập từ 2 xóm: Xóm 14 và xóm 16 cũ và được gọi là xóm 9 (Mỹ Đề)
Xóm
10: Giữ
nguyên xóm 15 cũ và được đổi tên thành xóm 10 (Chại Kim)
Xóm
11: Được sáp
nhập từ 2 xóm: Xóm 17, 18 cũ và được gọi là xóm 11
Xóm
12: Được sáp
nhập từ 2 xóm: Xóm 19, 20 cũ và được gọi là xóm 12 (Văn Phong).
4.
Văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.
Các
sinh hoạt văn hoá, lễ hội tín ngưỡng, tâm linh ở Nghi Lâm rất phong phú và đa
dạng, trước đây nhân dân Nghi Lâm chú yếu là theo Đạo Thiên Chúa Giáo, nhưng sau
cải cách Ruộng Đất năm 1956 rất nhiều người dân tự nguyện không theo Đạo Thiên
Chúa Giáo nữa, chỉ còn lại khoảng 30% vẫn duy trì theo Đạo Thiên Chúa Giáo cho
đến ngày nay. Trên địa bàn có nhiều công trình văn hóa tâm linh có lịch sử lâu
đời đã hàng trăm năm, nhưng chỉ còn một số gốc tích sau này đang được khôi phục
và nâng cấp lại như Nhà thờ Xứ Mậu Lâm; Các làng gốc trước đây có Đình, Chùa,
Đền, Miếu. Có thể liệt kê như sau:
- Đình: Hiện tại chỉ có phế tích của
Đình Mỹ Sơn (Nhà văn hoá xóm 14 cũ).
-
Chùa: Trên địa
bàn hiện đang xin phép khôi phục lại Chùa Văn Quán (xóm 11).
- Đền:
Đền Bản Thổ đã được phục dựng lại và trở thành địa điểm hoạt động văn
hoá tâm linh cho bà con nhân dân thuộc làng Đoài Sơn (Xóm 5).
Ngoài ra trên địa bàn xã còn có
dấu tích để lại, ghi nhận một địa bàn có phong trào hiếu học từ lâu đời, tại
khuôn viên Trường Trung học cơ sở Nghi Lâm hiện còn có dấu tích của “Mậu Lâm
Trường” đã được kiểm kê, ghi danh theo Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/01/2018
của UBND tỉnh Nghệ An.
5.
Phong trào Cách mạng.
Con người và mảnh đất Nghi Lâm
cũng như bao địa phương khác, vốn có truyền thống yêu nước, cần cù, thông minh
và hiếu học; người Nghi Lâm sống thật thà, Chất phác, nghĩa tình chan hoà.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nghi Lâm là
sự tiếp nối truyền thống yêu nước, căm thù giặc của dân tộc ta. Trong quá trình
đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lớp lớp con em Nghi Lâm đã lần lượt lên đường
tham gia kháng chiến cứu quốc như: Phong trào phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh
1930-1931, chớp thời cơ giành chính quyền 1945, đánh đuổi thực dân pháp trường
kỳ gian khổ, 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước Nghi Lâm luôn có những người
con ưu tú.
Kết
thúc chiến tranh toàn xã có 156 liệt sỹ, đã hy sinh anh dũng trên các chiến
trường; Có 12 mẹ Việt Nam anh hùng. Có 152 thương binh, 28 bệnh binh, có 31
người bị nhiễm chất độc hóa học.
Toàn
xã hiện còn 13 đối Tượng được hưởng chế độ, chính sách người có công hàng
tháng.
Trong
những năm qua, Cấp ủy Đảng, Chính quyền và các đoàn thể đã phát động các phong
trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, thiết thực và có
ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa
cho các gia đình chính sách. Xây mới, nâng cấp nhà Bia tưởng niệm các Anh hùng
liệt sỹ thành Nghĩa trang Liệt sỹ xã, Chăm lo đời sống cho đối tượng người có
công. Ngoài ra, còn biết bao nghĩa cử cao đẹp khác, bằng cả vật chất và tinh
thần chúng ta đã và đang chung tay giúp đỡ cho các đối tượng chính sách, người
có công với cách mạng.
Phát huy truyền thống vẻ vang của
quê hương, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, các thế hệ người
dân Nghi Lâm luôn dựa vào sức mạnh đoàn kết, cần cù, sáng tạo, kiên cường, cùng
nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.
Công tác xây dựng Đảng luôn được coi
trọng về giáo dục tư tưởng, ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và
nhân dân. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững
mạnh tiêu biểu.
6.
Phong trào Xây dựng Nông thôn mới.
Cùng với xu thế hội nhập của đất
nước, Nghi Lâm cũng đứng trước những thời cơ và thách thức, nhưng với một Đảng
bộ vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên tâm huyết, tận tình với nhân dân cùng
với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, sau 69 năm xây dựng và trưởng thành cùng
với công cuộc đổi mới, xã đã giành được những thành tựu cơ bản trên tất cả các
lĩnh vực kinh tế- xã hội cũng như đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá
trình hoạt động. Cán bộ và nhân dân đã được củng cố niềm tin bởi đường lối đổi
mới của Đảng, ý thức để phát triển kinh tế-xã hội ngày càng rõ nét hơn. Qua các
kỳ Đại hội, các chỉ tiêu phát triển của địa phương từng bước được triển khai
thực hiện một cách hiệu quả.
Cùng với chương trình mục tiêu
quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi như
điện, đường, trường, trạm được quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng khang trang,
các đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá, đồng ruộng được quy hoạch có quy mô
để đưa cơ giới hoá vào sản xuất, bộ mặt nông thôn xã nhà ngày càng khởi sắc đi
lên. Xã có 100% xóm cơ bản đã hoàn thành mục tiêu cứng hoá đường giao thông
nông thôn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. 3
Trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó Trường Mầm non đang phấn đạt chuẩn mức
độ 2. Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. Quốc
phòng an ninh được giữ vững.
Xã Nghi Lâm được công nhận xã đạt
chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Hiện xã đang phấn đấu xây dựng để được công nhận
xã Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành
động. Việc xây dựng và triển khai quy chế về việc cưới, việc tang, lễ hội đã
thực sự đi vào cuộc sống và được nhân dân thực hiện có nề nếp; tỷ lệ gia đình
văn hoá hàng năm đạt trên 90%, tỷ lệ gia đình văn hóa 3 năm liên tục đạt 82,7%; công tác xây dựng làng
văn hoá ngày càng được chú trọng về chất lượng. Các hoạt động thông tin, tuyên
truyền, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong phú và
có chất lượng; tham gia các hội thi, hội diễn, các giải thi đấu cấp huyện đều
đạt giải cao.
Có thể nói, hôm nay về xã Nghi
Lâm, bộ mặt nông thôn mới đang đổi mới đi lên, đời sống nhân dân ngày càng được
cải thiện, Nhà cửa khang trang, đường làng phong quang sạch đẹp. Có được những
thành quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như của
toàn Đảng, toàn dân xã nhà.
Đến với Nghi Lâm các bạn sẽ được
tham quan cảnh đẹp của vùng quê yên bình, với nhiều nét văn hoá đặc sắc của
nông thôn Việt Nam, thưởng thức các món ăn dân dã, tham quan các phong cảnh
thiên nhiên, các di tích văn hoá trên địa bàn các bạn sẽ thấy con người nơi đây
thật hoà nhã, hiền hoà và mến khách!
Nguyễn
Văn Hội: Công chức VHXH